Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) còn có những bút danh khác như Đặc Công, Bút Châm, quê quán xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn học (Việt Nam).
Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng từ trước 1945 trong phong trào Việt Minh, từng đảm nhiệm các chức trách: cán bộ văn nghệ của khu uỷ Liên khu IV, tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Nghệ An, uỷ viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương; thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam; tổng biên tập báo Văn nghệ, báo Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam; Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương; Viện trưởng Viện Văn học (1976-1985).
Trong các thi sĩ Việt Nam Thế kỷ 20, Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ. Nhà nghiên cứu – giáo sư Phan Ngọc đã từng viết về ông: “Trong thâm tâm, anh là con người nhỏ bé, của những con người nhỏ bé. Trong thơ, anh chỉ là nhà thơ của những người nhỏ bé” và “Chỉ có một Hoàng Trung Thông nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung Thông”.
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới quý độc giả tuyển tập 10 bài thơ hay của tác giả Hoàng Trung Thông:
Anh chủ nhiệm
Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh
Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc
Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp
Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi
Tiền đã lo xong đất cắm rồi
Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói
Phơi phới lòng anh như gió thổi
Anh làm chủ nhiệm đã ba năm
Ba năm vật lộn cùng khó khăn
Có mùa mạ cháy đồng khô cạn
Mười bậc nước leo lên ruộng hạn
Có mùa lúa chín lụt tràn qua
Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra
Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít
Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít
Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi
Không chịu khoanh tay đứng ngó trời
Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất
Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất
Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây
Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay
Hõm mắt thâu đêm lo việc xã
Gió rét đường trơn, chân bấm đá
Hết làng, hết ruộng thôi đi về
Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe
Cùng bao đồng chí, anh đi trước
Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược
Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo
Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo
Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới
Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi
Lại lao vào việc lòng say sưa
Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa
“Ơi anh củ nhiệm! Anh chủ nhiệm”
Bao tiếng thân thương, lời cảm mến
Tay anh nắm chặt tay xã viên
Xốc cả phong trào vững tiến lên
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh
Cả dáng hình anh thành bức tranh
4-1962
Bài ca vỡ đất
Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay.
Ðồng xanh ta thiếu đất cày.
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng
Tháng ngày ta góp sức chung.
Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.
Ðường xa ta tới đây
Trên đồi cây khát nắng.
Giữa hai dòng suối vắng
Ðoàn ta vui cấy cày.
Bàn tay lao động
Ta gieo sự sống
Trên từng đất khô.
Bàn tay cần cù.
Mặc dù nắng cháy
Khoai trồng thắm rẫy
Lúa cấy xanh rừng.
Hết khoai ta lại gieo vừng.
Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.
Suối chảy quanh ta
Tiếng suối ngân nga
Hòa theo gió núi
Ta đào mương mở suối
Tuổi ta là những tuổi đấu tranh
Cho dù bạc áo nông binh
Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.
Chim reo trong lá.
Hòn đá cheo leo.
Chúng ta một lớp người nghèo.
Giữa chiều nắng gió.
Ðào cây cuốc cỏ
Tỉa đỗ trồng khoai.
Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ.
Cuốc càng khỏe.
Càng dễ cày sâu.
Hát lên! ta cuộc cho mau
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Ta vui mùa lúa thơm.
Ta mừng ngày quả chín.
Gửi ra người tiền tuyến
Diệt quân thù, gối đất nằm sương.
Máu ai nhuộm thắm sao vàng.
Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi.
Rừng xanh xanh cả máu người.
Còn màu lúa tốt còn tươi áo chàm.
1948
Trích đoạn bài thơ này được sử dụng trong sách giáo khoa tập đọc trong nhiều năm.