Theo các bút tích tại các di bản Ông, Bà Tổ tiên để lại và các câu chuyện truyền miệng từ đời này, qua đời khác, có thể tóm tắt lịch sử dòng tộc họ Hoàng Phạm (tại Quảng Nam gọi là Huỳnh Phạm) như sau: Nguyên gốc họ Huỳnh chúng ta hiện nay là họ Hoàng thuộc xứ Kinh Bắc, trấn Sơn Nam, phủ Thuận An, huyện Văn Giang.
Theo “ Sử Việt Đại ký Toàn Thư”: Vào thời hậu Lê, khoảng những năm 1727-1737, vùng hạ lưu sông Hồng và các Phủ thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ đều chịu sự thao túng, kiểm soát và cai trị của Chúa Trịnh. Bằng thế lực lớn mạnh, cộng với các kế sách nhằm làm suy yếu nhà Lê hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào sự thao túng của Nhà Trịnh. Từ sau khi thay quyền Chúa Trịnh Sâm, Trịnh Giang nối ngôi đã dung nhiều kế hiểm phế Vua, hãm hại Thái tử để đưa những người họ Lê nhưng là con cháu ngoại họ Trịnh hoặc những người thân Trịnh lên thay. Sau khi phế truất rồi sát hại vua Lê Duy Phường, các quan đại thần phụng sự cho nhà Lê cũng bị hãm hại và truy sát. Lòng người nổi giận, xã tắc hỗn loạn và phong trào “ phò Lê – chống Trịnh” của Thái tử Lê Duy Mật đã được đông đảo nông dân và các sỹ phu chính trực tham gia, trong đó vùng Sơn Nam là tâm điểm với nhiều người họ Hoàng tham gia.( Ký sử nhà Lê gọi là cuộc nổi loạn, nhưng vào thời Nguyễn thì gọi đây là cuộc khởi nghĩa nông dân Bắc Bộ).
Vào khoảng 1730-1735, ông Hoàng Tiến Tương ( Làm quan cho nhà Lê tại Phủ Bắc Ninh) đưa vợ là bà Phạm Thị Kiệm ( đang mang thai) vào lánh nạn tại nhà em vợ đang làm quan Tri phủ Phủ Đức Quang, Xứ Nghệ. Ông Hoàng Tiến Tương về quê rồi mất ở đó. Bà sinh Nam tử và đặt tên là Hoàng Phạm Hội ( còn gọi là Hoàng Trọng Toản), được cậu nuôi ăn học; sau đó cậu trả ấn từ quan và đưa nhau về quê cậu tại làng Đại Định, phủ Nam Đường. Ông Hoàng Phạm Hội trưởng thành làm quan Chiêm sự tại quận Cao Bình, được cậu cho đất, cho vườn và tạo dựng gia thất.
Để tỏ lòng biết ơn người cậu đã nuôi dưỡng, 5 người con trai của ông đều mang họ Phạm, đó là Phạm Huy Quyến, Phạm Huy Sủng, Phạm Huy Hiển, Phạm Huy Úc, Phạm Huy Trí. Tất cả đều theo đường Nho học ( có hai anh em là Phạm huy Quyến và Phạm Huy Sủng đều thi đỗ khoa thi năm Mão 1783) và tất cả đều trở thành quan Đốc học, thầy đồ và thầy thuốc có danh tiếng trong Triều và Xứ Nghệ.
Con cháu của 4 vị ( riêng ông Phạm huy Úc không có con) tiếp tục sinh sôi tại Quê hương Nghệ An và hình thành 4 Phái. Vào khoảng những năm 1890-1900 toàn thể gia tộc đã thống nhất lấy lại nguyên gốc họ Hoàng và giữ nguyên chữ lót Phạm để muôn đời sau con cháu biết ơn “Ân Cậu” lại càng minh chứng một dòng họ mang tính nhân văn mà ngay trong xã hội Phong kiến hay ngày nay theo phong tục Á Đông cũng ít dòng tộc nào làm được điều đó.Và từ đó duy trì cho đến ngày nay tại Nghệ An và sinh sống tại các nơi khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Yên, ĐăcLak, Gia Lai, Bình Dương…vv
Theo “Gia phả” cũ, Cụ Hoàng Trọng Toản được mẹ và cậu chăm sóc, dạy dỗ, học hành tấn tới. Khi người cậu trả ấn từ quan, trở về quê hương, toàn bộ gia tài giao lại cho chị và cháu. Cụ bà Phạm Thị Kiệm ở Đức Thọ một thời gian, sau dời cư về Nam Đàn. Khi Tây Sơn nổi lên, Bà lại cùng con dời lên Dinh Chu (tức xã Thanh Tường, Thanh Chương, Nghệ An).
Cụ đã từng làm quan, giữ chức Thiêm sư phủ quận Cao Bằng (?). Sau này thường gọi là Can Thiêm. Can Thiêm kết duyên cùng bà Đậu thị… (chưa rõ quê quán), sinh được 5 người con trai, đều lấy họ mẹ đặt tên:
1. Phạm Huy Quyến
2. Phạm Huy Sủng
3. Phạm Huy Hiển
4. Phạm Huy Úc
5. Phạm Huy Trí
Hình thành 5 chi họ. Tuy chế độ phong kiến đương thời đã làm cụ Phạm Huy Úc tuyệt đường sinh đẻ để làm hoạn quan, nhưng vẫn có con cháu cửa tưởng thờ tự nên từ trước tới nay vẫn coi là có 5 chi họ.
Ngày nay, con cháu của 4 chi họ phát triển và định cư ở gần khắp các vùng của đất nước và ở nước ngoài.
Chi trưởng: từ cụ Phạm Huy Quyến trở đi, tập trung chủ yếu ở Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ an). Nơi đây có nhà thờ họ đại tôn và vùng Núi Hao đã quy tụ các ngôi mộ tổ. Một số ở thành phố Vinh (Nghệ An), Phú Yên, Lâm Đồng… và các xã khác trong huyện.
Chi thứ 2: Từ cụ Phạm Huy Sủng trở đi, tập trung chủ yếu ở Thanh Liên, một số ở Bắc Thái và TP. Hồ Chí Minh.
Chi thứ 3: Từ ông cụ Phạm Huy Hiển trở đi, tập trung ở xã Thanh Hương, Thanh Đồng.
Chi thứ tư: (không có con cháu )
Chi thứ năm: Từ cụ Phạm Huy Trí trở đi, tập trung một số ở Thanh Văn, còn nữa ở nhiều vùng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và ở nước ngoài.
Ở đây chúng tôi chỉ làm rõ : Tại sao lúc thì Hoàng Văn, lúc thì Phạm Huy, nay là Hoàng Phạm?
Theo bút tích các cụ để lại thì khi bà Tổ phụ sinh con trai đặt là Hoàng Trọng Toản. Nhưng khi cụ Toản trưởng thành, nghĩ nhiều về công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ và cậu nên 05 người con của ông đều mang họ mẹ (họ Phạm): Phạm Huy Quyến, Phạm Huy Sủng, Phạm Huy Trí, Phạm Guy Úc, Phạm Huy Hiển
Năm Mão triều Lê Gia Tông , hai anh em Phạm Huy Quyến, Phạm Huy Sủng đều thi đậu tú tài. Tên tuổi 2 vị được đưa vào bia đá ở nhà thánh xã Dinh Chu (Thanh Tường ngày nay). Đến đời thứ 5, do hoàn cảnh thi cử có sự trục trặc, các cụ lại bàn lại, nên dùng cả họ Hoàng và Phạm để đền đáp “Công cha, nghĩa mẹ”.
Ngày nay con cháu ở rải rác khắp nhiều vùng của đất nước. Việc đặt tên thường thay đổi theo sở thích (Hoàng Tuấn, Hoàng Minh, Hoàng Hồng…) .
Chúng ta đang thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của cha ông, nguyện kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống đó, để góp phần làm vui lòng vong linh người đã khuất, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
Ông Phạm Huy Sủng có 02 người con là Phạm Huy Trâm và Phạm Huy Đường. Ông Phạm Huy Trâm sinh sống tại quê, sau đó chuyển đến sinh cư tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ngày nay nhà thờ Phái nhì và phần đông con cháu vẫn sinh sống tại đó.
Ông Phạm Huy Đường, sau khi đậu Tú Tài, vào khoảng năm 1820-1825 ông theo thầy vào Huế tồi Quảng Nam và thay tên, đổi họ thành Huỳnh Phạm Văn ( Vì phạm húy nhà Nguyễn),tiếp tục kinh sử chờ khoa thi Cử Nhân. tuy nhiên thời cuộc đẩy đưa nên nghiệp lớn không thành. Ông lưu lại tại Thôn Hóa Mộc, Tổng Mỹ Hòa Trung, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ( nay là khu Hoán Mỹ, Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) làm Giáo tập sư và treo bảng dạy học.
Ông kết duyên với bà Lê Thị Được, người con gái út trong gia đình Lê Phước Phái nhì, và bắt đầu từ đây các thế hệ con cháu Huỳnh Phạm đã duy trì và phát triển cho đến ngày nay.( mới tìm về và kết nối với dòng họ ngày 15/12/2018)
Như vậy, Tộc Huỳnh Phạm làng Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa ngày nay là nhánh 2. Chi 2, của đại gia đình họ Hoàng Phạm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Hiện nay:
Nhà thờ chi 1 ( Đại tôn) tại thôn Đại Định, xã Thanh Văn, Thanh Chương
Nhà thờ Chì2 : Nhánh1: tại thôn Liên Đồng, Xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương
Nhánh 2: tại khu Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc
Nhà thờ Chi 3: tại Thanh Hương, huyện Thanh Chương
Nhà thờ Chu 5: tại thôn Đại Định, xã Thanh Văn, Thanh Chương
Tìm hiểu về lịch sử dòng tộc, các lớp con cháu hậu duệ ngày nay, biết thêm về gốc tích, cội nguồn và có quyền tự hào về truyền thống gia tộc bởi:
Trong thời Phong kiến các bậc tiền bối đều là các nho sỹ đỗ đạt (cụ Hoàng Phạm Cửu đậu cử nhân và nhiều người đậu tú tài). Các cụ là các thầy Nho trong Hàn lâm viện Trước tác ( Soạn sách giảng dạy và dạy học cho các Thái tử), thầy thuốc danh tiếng và các quan văn trong Triều ( Cụ Cửu làm chức Thừa Vụ) các quan Đốc học, quan Ký lục Tòa Công sứ thanh liêm, một lòng phò vua giúp dân, nhưng cũng rất cương trực, sẵn sàng từ quan về mở trường dạy học, tiếng thơm còn lưu truyền trong sử sách và trong dân gian cho đến ngày nay.
Trong hai cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ hàng trăm người con của dòng họ Hoàng ( Huỳnh) đã “ Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh” và lên đường tòng quân chiến đấu Đã có hàng chục người hy sinh và nhiều thương binh đóng góp xương máu để Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hàng trăm con em họ Hoàng (Huỳnh) đã tiếp bước cha anh và xây dựng quê hương, có người là Anh hung lao động, một sô cán bộ cao cấp trong Công an, Quân đội, nhiều bác sỹ, kỹ sư và những nông dân không ngừng đóng góp cho xã hội, cho quê hương. Nhiều huân huy chương và danh hiệu cao quý của Đảng Nhà nước tặng đã minh chứng cho những đóng góp to lớn ấy.
Phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống hiếu học và truyền thống anh hùng bất khuất của các thế hệ cha ông; các thế hệ con cháu hôm nay và mãi mãi mai sau nguyện sống, lao động và làm việc hết mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Viết tiếp những trang sử đầy tự hào của dòng tộc HOÀNG (HUỲNH) PHẠM.
Theo: http://hoangphamgiatoc.com/thuy-to.html