Vốn là một ngôi làng cổ, làng Thổ Hoàng xưa, nay là làng Thổ Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi (Hưng Yên) ẩn chứa trong mình lớp trầm tích văn hóa, lịch sử dày đặc. Dưới thời phong kiến, Thổ Hoàng là một trong mười hai ngôi làng có nhiều người đỗ đạt cao nhất nước.
Theo các cụ cao niên trong làng, Thổ Hoàng xưa có thế đất “Thất tinh quần tụ”. Dân làng đã cùng nhau đào ao, vượt đất làm nhà định cư thành 7 xóm, quây quần theo hình vòng tròn. Dân gian lưu truyền rằng, vì thế đất độc đáo nên dân làng làm ăn hưng vượng, làng có nhiều người đỗ đạt cao, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Ông Vũ Thanh, trưởng thôn Thổ Hoàng Cả cho biết: Theo hương ước của làng còn lưu giữ đến bây giờ, kể từ khi nhà nước phong kiến mở khoa thi kén chọn người hiền tài ra giúp nước cho đến khoa thi cuối cùng, làng Thổ Hoàng đã có hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài ở các kỳ thi Hương, với 12 người đỗ khoa bảng và là một trong mười hai ngôi làng có nhiều người đỗ đạt cao nhất nước.
Tiêu biểu nhất trong các nhà khoa bảng của làng là cụ Nguyễn Trung Ngạn, mới 15 tuổi đã thi đỗ Hoàng giáp (1304), vị Hoàng giáp đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam, về sau làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình, tên tuổi được lưu danh ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên).
Ông Nguyễn Trung Toàn, hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn cho biết: Ngày nay, trên quê hương Thổ Hoàng còn lưu giữ được mộ phần của cụ. Phần mộ cụ Hoàng Giáp tương đối khang trang, đặt trên cồn Con Nhạn, thế đất có hình như con nhạn, rộng hơn 70m2, chung quanh xây viền gạch, tọa lạc ở phía Tây Nam làng Thổ Hoàng, cách huyết mạch giao thông chính của huyện khoảng 1 km đường chim bay. Trên mộ là nhà bia tưởng niệm hình vuông, 8 mái cong kiểu cổ, cao khoảng 3m. Trong lăng có bia đá cao 60x40cm khắc hai hàng chữ Hán: Danh nhân văn hoá Nguyễn Trung Ngạn. Ngoài cùng cổng nhà bia là hai cột đề câu đối: Ái quốc danh nhân công linh tại/ Trung quân chính khí sử ký tồn. Để tôn vinh những đóng góp to lớn cho đất nước của Nguyễn Trung Ngạn, huyện Ân Thi đang tích cực xúc tiến với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự án xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Ngạn, với kinh phí ước tính khoảng 40 tỷ đồng.
Nổi tiếng cả nước có nhiều người đi học, đỗ đạt thành danh, Thổ Hoàng có 5 dòng họ nhiều người đỗ đạt về khoa cử hơn cả. Đặc biệt, có những dòng họ cha con, ông cháu đều đỗ đạt như: họ Hoàng có 5 người đỗ đại khoa là: Hoàng Tuân, người khai khoa cho dòng họ Hoàng, đỗ Bảng nhãn năm 1553; Hoàng Chân Nam, cháu của Hoàng Tuân, đỗ tiến sỹ năm 1571; Hoàng Công Chí đỗ tiến sĩ năm 1670; Hoàng Công Bảo là con của Hoàng Công Chí, đỗ tiến sỹ năm 1710; Hoàng Bình Chính là cháu nội Hoàng Công Bảo, đỗ tiến sỹ năm 1775. Cùng với đó, họ Vũ có 3 vị đỗ đại khoa. Họ Nguyễn có 3 vị đỗ đại khoa…
Hiện nay, nhà thờ họ Hoàng là một trong những di tích nho học và khoa bảng của Hưng Yên, phối thờ tổ tiên dòng họ Hoàng và các vị tiến sỹ trong họ. Vốn được xây dựng từ năm 1893, nhà thờ họ Hoàng trùng tu lại vào năm 2012, hiện còn lưu giữ một tấm bia đá giá trị, có niên đại từ thế kỷ 17 do tiến sỹ Trần Thế Vinh phụng soạn. Bia có 2 mặt, kích thước 70cm x 100cm, trán bia hình vòm trang trí rồng chầu mặt nguyệt, diềm bia trang trí hình dây hoa cách điệu. Bia ghi chép nhiều tư liệu quý về việc thờ phụng các bậc tiền nhân và ghi danh những nhà khoa bảng của tổng Thổ Hoàng xưa…
Thổ Hoàng, theo chữ Hán có nghĩa là “đất vàng”. Ngôi làng cổ này còn tự hào là làng quê duy nhất của xứ Nhãn có “đảo cò”. Đây là một đảo nhỏ cây cối tươi xanh, xum xuê, um tùm, nằm giữa hồ nước, rộng chừng một sào Bắc Bộ. Cò đậu trắng xóa, tíu tít trên những cành cây ở đảo, nhìn xa tưởng như lẵng hoa khổng lồ được tô điểm bằng hàng vạn bông hoa trắng muốt đang rung rinh trước gió. Quanh đảo, mỗi sớm, mỗi chiều những cánh cò trắng tinh khôi lại rập rờn bay lượn khiến ngôi làng cổ thêm thơ mộng.
Theo ông Vũ Thanh, không ai biết rõ đảo cò được hình thành từ bao giờ nhưng hiện nay, đàn cò ở đảo có lúc lên tới hàng nghìn con, và tuyệt nhiên không bao giờ có cảnh săn trộm “lộc giời”. Người dân mộc mạc nhất cũng luôn có ý thức gìn giữ đảo cò độc đáo của làng mình. Đảo cò giờ giống như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho người “đất vàng”…
Người xưa thường nói “đất lành chim đậu”, phải chăng điều đó đúng với nơi đây, một ngôi làng nhỏ luôn yên bình, giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng và tiếp tục nỗ lực mỗi ngày để hưng thịnh, theo kịp thời đại. Ông Thanh hồ hởi: “Tiếp bước các bậc tiền nhân, Thổ Hoàng Cả ngày nay không ngừng phát huy truyền thống hiếu học. Các dòng họ trong làng đã xây dựng quỹ khuyến học cùng nhiều hình thức khuyến học hiệu quả…”
Minh Huệ