Quảng Bình: Đền Song Trung thờ Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ

Khởi tổ của ông Hoàng Vĩnh Tộ, quê ở xã Lý Trai, huyện Phúc Khê, tỉnh Nghệ An, theo chiếu chiêu mộ cư dân di dân lập ấp tại xã Phù Kinh, châu Bố Chính, phủ Tân Bình. Tại văn bia đã ghi rõ: Bố Chính là đất cũ của nước Lâm Ấp. Từ khi nước Việt thu về, triều Lý lập sổ ghi biên làm hộ tịch dân cư vùng địa phận. Trên từ quan Tể tướng, dưới đến các ngư dân ở Hoan- Diễn ( Nghệ An) cho đến Quảng- Hóa (Quảng Bình- Thừa Thiên Huế) một dãi đất tốt tươi. Núi sông xinh đẹp, cây cối thơm hương báu vật của trời sản sinh ra đất lành, người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Thường nghe nói rằng người giỏi võ có mưu cao khi ra ngựa là thu về được đất như cọp sợ sấm sét vậy. Phàm những chốn núi sông hùng vĩ nơi có thể tương ứng được từ sừng đến đuôi hỗ trợ nhau, rừng rậm, đường đèo uyển chuyễn có thể hội tụ cho đủ lông đủ cánh. Đúng là được Trời che, Đất chở, Quỷ giám sát, Thần sắp đặt, cho phát tích như tiếng vang của cò vạc gọi kêu đàn. Nhân đó mới có tên làng Phù Kinh chính là quê hương của ông PHÚC KHÊ HẦU. Trãi qua các triều đại phong kiến, thay đổi các tên gọi về địa danh hành chính quản lý, xã Phù Kinh thuộc châu Bố Chính, phủ Tân Bình xưa, nay là xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn tồn tại, hình thành và phát triển làng mạc phong phú, với nhiều ngành nghề khác nhau, nhất là nghề trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải…và cùng các dòng họ khác, dòng họ Hoàng của Ông đã góp phần tích cực trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng của xã Phù Kinh ngày xưa, xã Phù Hóa ngày nay.

Tương truyền, thuở còn nhỏ ông Hoàng Vĩnh Tộ là cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thông minh. Trưởng thành, ông là một thanh niên hào kiệt, có sức khỏe phi thường, có chí khí, thông minh, lỗi lạc, hiểu biết hơn người, giàu lòng yêu nước, thương dân, Ồng đã tụ tập các thanh niên trong làng luyện võ nhằm rèn luyện sức khỏe và bảo vệ quê hương, đất nước khi có chiến tranh.

Cuối thế kỷ XV, phe phái Mạc Đăng Dung lợi dụng triều Lê suy vong, đoạt ngôi, lập ra vương triều nhà Mạc. Lúc bấy giờ, đất nước bị giặc phương Bắc quấy nhiễu hòng xâm lược nước ta. Trong nước, các cuộc nổi dậy tranh giành quyền lực của các phe phái phong kiến càng làm cho đời sống nhân dân lâm vào cảnh cơ cực, thống khổ. Ông Hoàng Vĩnh Tộ và con trai là Hoàng Vĩnh Dụ cùng trai tráng trong làng gia nhập vào đội quân của tướng Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc, cùng đại quân giương cờ xung trận chém giặc lập được công lao to lớn. Năm Thận Đức thứ I (1600), Ông được vinh phong chức Hiệp mưu Dương vũ Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Thự vệ sự Hầu tước2. Khi ông mất, được truy phong tước Phúc Khê Hầu Đại Vương Tôn Thần3.

Hoàng Vĩnh Dụ là con trai trưởng của ông Hoàng Vĩnh Tộ. Từ nhỏ, ông tỏ ra thông minh, lanh lợi, ông theo cha luyện võ và tập đánh trận giả. Năm Thận Đức thứ I (1600), hưởng ân đức của cha, ông được phong tước Hoằng Dũng Hầu, nhằm luyện tập võ nghệ tại gia.

Vốn thông minh hơn người, có ý chí tự lực, tự cường, ý thức độc lập dân tộc, yêu quê hương, đất nước, đợi đến khi đất thần kinh đã khôi phục lại, được tới đeo ngọc bội cùng thẻ hình cá4, đốc trách như hổ5 lữ, thiết lập mưu kế có hiệu lực, suy tiến công đánh nghiệt quân nhà Mạc ở địa đầu đất Giao Thủy (Nam Định). Nêu cao khí chất can trường của một võ tướng miền “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt, ông đã cùng cha tham gia nhiều trận chiến chống lại quân ngụy Mạc, góp phần phò vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long (tháng 4 năm 1593), đánh dấu mốc nhà Lê Trung Hưng. Tuy vậy, chiến sự giữa hai phe phái Lê – Mạc vẫn diễn ra ác liệt, mãi đến năm 1623, quân đội Nam Triều mới đánh đuổi quân ngụy Mạc trốn lên Cao Bằng. Năm Vĩnh Tộ triều Lê thứ 10 (1628), ông được vinh phong là Dương vũ Uy dũng Tán trị Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Điện tiền Đô hiệu điểm ti Tả hiệu điểm Hầu tước6. Khi mất ông được truy phong tước Hoằng Dũng Đại Vương Tôn Thần7.

Cha gây dựng nên sự nghiệp và con đã phát huy rực rõ thêm, trước sáng chói, sau chói lọi, thật đúng với tên tuổi Tôi trung con thảo. Trong thời Nhà Lê nói riêng, triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, việc hai cha con đều được vinh phong Thượng Tướng quân là điều hiếm có8.

Hai vị công thần Hoàng Vĩnh Tộ và con là Hoàng Vĩnh Dụ đã có công phò vua, giúp nước, đánh dẹp quân ngụy Mạc, chống sự cát cứ chia rẽ đất nước, chống giặc ngoại xâm, lập công trạng được vua Lê phong tước Hầu (Công, hầu, bá, tử, nam là những tước vị vô cùng cao quý trong các triều đại phong kiến nước ta, tước Hầu là tước vị thứ hai sau hàng các vương công), chiếu rọi cho con cháu đời đời sau tiếp nối và phát huy thêm rực rỡ.

Vào khoảng năm 16509, tưởng nhớ đến công lao của hai cha con dòng họ Hoàng là Hoàng Vĩnh Tộ và con là Hoàng Vĩnh Dụ đã có công với nước, với quê hương, nhân dân đã lập lập đền thờ và có tên gọi Song Trung thờ hai công thần triều Lê cho đến ngày nay10.

Đặc biệt, tại Đền Song Trung còn lưu giữ một bia cổ thời Lê Cảnh Hưng thứ 17 (năm 1756), cách ngày nay gần 300 năm lịch sử. Đây là một cổ vật có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa. Nội dung văn bia đã phần nào minh chứng rõ nét về thân thế sự nghiệp và những đóng góp của hai cha con ông Hoàng Vĩnh Tộ và con là ông Hoàng Vĩnh Dụ, qua đó góp phần tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất con người Quảng Bình – một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Đền Song Trung còn có giá trị trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha; phát huy tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên trong cuộc sống, trong lập nghiệp cho các thế trẻ hôm nay và mai sau.

Theo Phạm Thị Anh Đào (Sở Văn Hoá – Thể Thao Quảng Bình)

Tin mới cập nhật