Gia phả họ Hoàng Nghĩa ở Nghệ An ghi lại Tổ tiên xưa quê quán xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Sơn Nam (nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ngài thủy tổ là Hoàng Thế Chân, sống thời Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1434-1439).
Thế kỷ XVI, trong cuộc chiến tranh Nam Bắc triều giữa nhà Lê Trung Hưng và nhà Mạc (1527-1595), ngài Hồng Quốc công Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) làm Đô đốc tổng binh ở Nghệ An, lấy bà Phan Thị Má ở làng Dương Xá, huyện Hưng Nguyên, sinh ra Phú Quận công Hoàng Nghĩa Lương. Năm Quang Hưng thứ 10, tức là năm Đinh Hợi (1587), vua Lê Thế Tông sai cụ Kiều đem 3000 quân đi đánh nhà Mạc.
Gia phả trích lời Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1623) nói với Phú Quận công (dịch nghĩa): “Con cháu Quốc cựu, hoặc ở quê mẹ, hoặc ở quê vợ, hoặc nơi thắng cảnh, tiện lập gia cư ở đâu cũng được, chẳng cần phải trở về đất Hoàng Vân, Kim Động” (Sở dĩ chúa gọi Phú Quận công là Quốc cựu vì cụ có người chị ruột tên là Hoàng Thị Ngọc Châu, lấy chồng là Thái phó họ Lại, sinh được người con gái tên là Lại Thị Nho, Hoàng hậu của vua Lê nên cha được phong là Yên Quận công, mẹ là Thái Quốc mậu và anh em trai của mẹ được gọi là Quốc cựu). Từ đó con cháu Phú Quận công nối đời lập nghiệp ở Nghệ An. Tính ra họ Hoàng trong khoảng bốn trăm năm (từ đầu thời nhà Lê đến cuối thời Lê Trung Hưng) có 19 vị Quận công, trên 60 vị tước hầu và 5 vị sau khi mất được truy phong tước Đại vương, đều có công giúp nhà Lê Trung Hưng. Ở phường Lê Mao (TP.Vinh) hiện có một con đường mang tên Hoàng Nghĩa Lương.
Con cháu họ Hoàng Nghĩa ở Nghệ An rất đông, phần lớn ở Hưng Nguyên và còn ở nhiều nơi trong tỉnh, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Con trai thứ chín của Phú Quận công là Hoàng Nghĩa Chung lập nghiệp ở Nam Đàn. Cháu chắt của cụ Chung lại chia ra nhiều chi, ở nhiều nơi: Hưng Trung – Hưng Nguyên, Cát Ngạn- Thanh Chương, Thuần Trung – Đô Lương, Hùng Tiến – Nam Đàn và một chi hiện ở Hoàng Trù – Kim Liên – Nam Đàn. Mấy chi này đổi tên lót là Hoàng Đình, Hoàng Xuân, Hoàng Thế… hoặc không dùng tên lót. Họ Hoàng ở Hoàng Trù có hậu duệ là Bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu Bác Hồ); nhà thờ họ ở Hoàng Trù còn ghi câu đối nói lên nguồn gốc họ hàng:
Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ/ Chung Cự hùng thanh chấn ức niên.
Nghĩa là: Chính khí Hoàng Vân truyền muôn thuở/ Tiếng hùng Chung Cự dội ngàn năm.
Tại vùng quê gốc họ Hoàng ở tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng Yên đã xây dựng ngôi Đền thờ Bà Hoàng Thị Loan, người phụ nữ dòng dõi họ Hoàng, có công sinh thành cho nước ta một Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đền thờ Phú Quận công ở làng Hoàng Nghĩa, nay thuộc xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, cạnh đê tả ngạn sông Lam, được con cháu xây dựng từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), quay mặt ra sông Lam và núi Thiên Nhẫn, gồm 2 nhà thượng và hạ. Hiện tại ở đền còn rất nhiều câu đối, cổng vào có câu:
Gia tiên Kim Động, Hoàng Vân, Nam thiên thế phiệt/ Miếu ngật Hưng Nguyên, Dương Xá, Hoan địa linh từ (Nghĩa: Tổ tiên ở Kim Động, Hoàng Vân dòng dõi danh tiếng dưới trời Nam/ Đền miếu ở Hưng Nguyên, Dương Xá linh thiêng trên đất Châu Hoan – tức đất Nghệ An).
Ngày 22-01-2009, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, đã ký quyết định số 300/QĐ-BVH-TT-DL công nhận Đền thờ Phú Quận công Hoàng Nghĩa Lương là Di tích Văn hóa cấp quốc gia. Ngày 6-12-2009 (tức ngày 20-10 Kỷ Sửu), họ Hoàng Nghĩa ở Nghệ An sẽ làm lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích. Con cháu họ Hoàng Nghĩa đã và sẽ nguyện ra sức phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ, phấn đấu học tập, lao động, chiến đấu, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Hoàng Kỳ