Nói đến dòng họ hiếu học (DHHH) nhiều người nghĩ ngay đến dòng họ Hoàng Đăng (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Một dòng họ quê Thừa Thiên – Huế, xuất thân từ ngư dân quanh năm bám biển, khó khăn về kinh tế, vậy mà họ vẫn vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho các con cháu nuôi chí lớn.
Dòng họ Hoàng Đăng quê ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế), có 10 hộ với 29 nhân khẩu. Năm 1998, dòng họ Hoàng Đăng vào thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), chủ yếu sống dựa vào nghề biển và mua bán nhỏ. Ban đầu, do khó khăn về kinh tế, nhiều gia đình trong dòng họ ít quan tâm tới việc học của con em mình, một số gia đình có điều kiện cũng chỉ cho con học hết tiểu học hoặc THCS.
Trước thực trạng đó, cụ Hoàng Đăng Thiểu, trưởng họ tộc, đã tổ chức họp các gia đình trong dòng tộc để bàn bạc và quyết định thành lập Chi hội khuyến học của dòng họ. Từ đó, việc chăm lo học tập cho con cháu trong dòng họ được quan tâm nhiều hơn. Bởi, họ đã ý thức được rằng học để làm người, học để có tri thức cống hiến cho quê hương, đất nước và học để thoát cảnh đói nghèo.
Ông Hoàng Đăng Diễu – một trong những người con của cụ Hoàng Đăng Thiểu, xúc động kể: “Mặc dù cuộc sống của các gia đình trong dòng họ còn nhiều khó khăn, vất vả, mùa tựu trường, các gia đình phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm tiền đóng học phí và mua tập vở cho con, song, các gia đình vẫn nỗ lực cho con em ăn học. Một ký ức mà tôi không bao giờ quên, đó là vì mãi lo kiếm tiền cho con ăn học mà cái mái nhà rách nát vẫn không có thời gian, tiền bạc để sửa!”.
Dòng họ Hoàng Đăng là một trong những dòng họ thành lập Chi hội khuyến học trước khi Hội Khuyến học tỉnh phát động phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), DHHH. Cách làm của dòng họ Hoàng Đăng không phải dòng họ nào cũng làm được. Hàng năm, nhân ngày giỗ tổ, giữa không khí trang nghiêm, tại từ đường của dòng họ, trưởng họ tộc Hoàng Đăng đại diện họ tộc lên báo cáo thành tích học tập trong năm vừa qua của con em trong họ. Đồng thời, trích nguồn quỹ trong dòng họ để khen thưởng cho con cháu có thành tích cao trong học tập. Tuy giá trị không nhiều nhưng đó là món quà tinh thần kích thích các thành viên trong dòng họ phấn đấu vươn lên trong học tập và trưởng thành.
Thời gian thấm thoát trôi, sau bao năm tháng vất vả, con cháu của dòng họ lần lượt nối bước nhau rời khỏi giảng đường đại học với một tương lai tươi sáng. Đến nay, dòng họ Hoàng Đăng đã có 17 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 10 cháu là học sinh giỏi và 3 cháu là học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Một số gương mặt tiêu biểu trong dòng họ là Hoàng Đăng Hùng, tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật điện, đang công tác tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); Hoàng Đăng Cảm, tốt nghiệp Đại học Xây dựng, làm việc tại TP. HCM; Hoàng Thị Phương, tốt nghiệp đại học ngành Tài chính – Ngân hàng, làm việc tại TP. Biên Hòa…
Khi nói về phong trào khuyến học của dòng họ Hoàng Đăng, người ta nói nhiều về ông Hoàng Đăng Dũng, bởi ông có một “gia tài” đáng tự hào. Mặc dù nguồn thu nhập chính của gia đình ông Dũng chủ yếu dựa vào nghề biển, nhưng ông lại nuôi 4 người con học hết đại học. Ông Dũng chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy các con tôi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Mới đây, tôi đại diện dòng họ dự lễ tuyên dương GĐHH, DHHH do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức. Đó là niềm vinh dự, tự hào của dòng học Hoàng Đăng chúng tôi”.
Sự gương mẫu trong cuộc sống và truyền thống hiếu học của dòng họ Hoàng Đăng là hình mẫu để các gia đình, dòng họ ở địa phương học tập.
Hoàng Lam, Hội khuyến học