Trong không khí của mùa Thu cách mạng, nhân dân cả nước cùng đồng lòng tưởng nhớ về quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh của Cụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương của một bậc đại trí thức luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, vì nước, vì dân đến hơi thở cuối cùng.
Mặc dù đã là người thiên cổ nhưng cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đạo đức và nhân cách sáng ngời của Cụ sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam.
Trách nhiệm với dân, với nước
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh), sinh ngày 1-10-1876, trong một gia đình nhà nho, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương; năm 1904, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội, trở thành người nổi tiếng của xứ Quảng thời ấy.
Tháng 7-1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên Huỳnh Thúc Kháng xin từ chức (năm 1928), tập trung vào sự nghiệp báo chí, văn chương. Năm 1927, Cụ sáng lập báo Tiếng dân, làm chủ nhiệm đồng thời là chủ bút suốt 16 năm (1927-1943).
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch Chính phủ, điều hành mọi hoạt động của chính quyền cách mạng, vừa tích cực xây dựng và củng cố tiềm lực của đất nước, vừa đấu tranh làm thất bại những âm mưu chống phá của các lực lượng phản động.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, cách mạng.
Do tuổi cao, sức yếu và bệnh nặng, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21-4-1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Ngày 29-4-1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi tới toàn thể đồng bào để nêu gương chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Dùng văn, thơ để thức tỉnh hồn nước
Không chỉ là một chí sĩ yêu nước, nhà lãnh đạo tài năng, Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học, nhà giáo dục, là người tiên phong tuyên truyền, cổ động học chữ Quốc ngữ.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng không nhận mình là nhà văn, nhà thơ nhưng đã dùng văn, thơ để tuyên truyền, vận động và thức tỉnh hồn nước, thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng. Thơ của Cụ không nhiều nhưng là những tác phẩm có giá trị về nhiều mặt, tiêu biểu là tập thơ “Thi tù tùng thoại” với hàng trăm bài thơ thể hiện rõ quan điểm, chí hướng của mình trong công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, độc lập cho nước nhà.
Thơ của Cụ Huỳnh Thúc Kháng thường ngắn gọn, cô đọng và có sức khái quát cao, trong thơ tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần yêu nước cháy bỏng mang đậm tính thời sự và chiến đấu. Nét đặc sắc trong thơ Huỳnh Thúc Kháng là thể hiện không gian nghệ thuật hết sức tinh tế, đa dạng, nêu bật được tư tưởng, tình cảm và chí hướng của Cụ cũng như diện mạo của đất nước và thời đại đầu thế kỷ XX.
Trong lĩnh vực báo chí, ngòi bút Huỳnh Thúc Kháng đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội và tư tưởng. Cụ đã dùng báo chí làm công cụ để bênh vực cho quyền sống, quyền tự do của đồng bào mình, đã chĩa mũi nhọn đả kích vào chính quyền thực dân phong kiến đương thời. Mặt khác, qua ngòi bút của mình, Huỳnh Thúc Kháng còn nuôi đốm lửa nhiệt thành ái quốc cho nhân dân, điều này thể hiện rõ qua các bài viết trên báo Tiếng dân.
Không chỉ có văn, thơ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn đóng góp lớn về mặt sử học qua việc sưu tập, công bố tư liệu lịch sử. Trong di sản của mình, Cụ để lại nhiều tác phẩm sử học có giá trị, phản ánh lịch sử dân tộc từ khi bị thực dân Pháp xâm lược đến cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam trong những năm 1939-1945, gắn liền với các sự kiện lịch sử và nhân vật tiêu biểu. Những tác phẩm lịch sử của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cung cấp nguồn tư liệu chính xác, khôi phục chân thực bức tranh lịch sử dân tộc thời thuộc Pháp, về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Đặc biệt hơn nữa, Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn có nhiều bài viết với những tư liệu, chứng cứ, quan điểm về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các bài viết đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện tấm lòng yêu nước của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.
Là người tiên phong tuyên truyền, cổ động học chữ Quốc ngữ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng “một người đức cao danh vọng mà quốc dân ai cũng biết”, là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước.
Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, ngày 27-12-2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2308/QĐ-CTN, truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
KHÁNH HUYỀN, báo QĐND